Diện tích: 6.055,6 km²
Dân số: 1.300.800 người (năm 2005)
Các quận, huyện:
Thành phố: Hà Tĩnh.
- Huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang, Lộc Hà.
- Thị xã: Hồng Lĩnh.
Dân tộc: Việt (Kinh), Thái, Chứt, Mường.
Điều kiện tự nhiên
Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông với bờ biển dài 137km. Ðịa hình đa dạng, có đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và biển. Hà Tỉnh có tới 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Nhiệt độ trung bình năm 23,7ºC.
Tiềm năng phát triển du lịch
Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh, quê hương của nhiều bậc danh nhân. Cảnh quan của tỉnh có thác Vũ Môn, vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, đèo Ngang, chùa Hương Tích, Hòn Bớc, Hòn Lám, các bãi tắm đẹp như Thiên Cầm, Ðèo Con, Xuân Thành, Chân Tiên. Các thắng cảnh phần lớn đều phân bổ dọc đường quốc lộ 1A và quốc lộ 8.
Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn vật Hồng Lam" với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4.
Dân tộc, tôn giáo
Hà Tĩnh là tỉnh có dân số chủ yếu là người Việt (Kinh) theo các tôn giáo như đạo Mẫu, đạo Nho, đạo Phật và tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, để lại hàng trăm đền, chùa, miếu mạo như tháp Cửa Diêu, chùa Hương Tích, đền Tam Lang...
Hà Tĩnh là nơi sản sinh ra danh y Hải Thượng Lãn Ông, thi hào Nguyễn Du, nhà thơ, nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Ðức Kế, Huy Cận... Sự giao hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học làm cho môi trường văn hóa, giá trị nhân văn của Hà Tĩnh có sức thu hút du lịch rất lớn.
Giao thông
Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ đều thuận lợi với quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy xuyên qua tỉnh. Tỉnh cũng có cửa khẩu Kẹo Nưa thuận tiện cho việc giao lưu với các nước Lào, Thái Lan. Thị xã Hà Tĩnh cách Hà Nội 341km.