Bảo tàng lịch sử thành lập ngày 23 tháng 8 năm 1979 theo quyết định số 235/QĐ-UB của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tiếp thu và cải tạo Viện bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn của chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũ (trước đó vào thời Pháp thuộc, đây là bảo tàng Blanchard de la Brosse- theo tên của một viên thống đốc Nam kỳ- thành lập năm 1929).
Bảo tàng lịch sử có chức năng bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, giám định, kiểm kê, bảo quản, bảo vệ, phục chế, phục hồi, trưng bày, thuyết minh, tuyên truyền, xuất bản ấn phẩm, maketing…giới thiệu các tư liệu, hiện vật có liên quan đến lịch sử Việt Nam, các tỉnh phía Nam Việt Nam, các nước trong khu vực nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam, đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cũng như thưởng ngoạn của khách tham quan trong và ngoài nước về lịch sử và các sưu tập cổ vật.
Để làm tròn chức năng của mình, bảo tàng thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước cùng thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: sưu tầm, giám định, bảo quản hiện vật, trưng bày lưu động ở trong nước và nước ngoài, xuất bản tài liệu…nhằm tuyên truyền cho di sản văn hoá Việt Nam và nâng cao tri thức, cải tiến phương pháp làm việc của cán bộ nhân viên, từng bước thực hiện đổi mới, hiện đại hoá hệ thống trưng bày, hệ thống kho bảo quản hiện vật.
Sau nhiều đợt chỉnh lý, cải tạo, thực hiện mới, hệ thống trưng bày của bảo tàng hiện có 2 nội dung:
Nội dung 1. Lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hết thời Nguyễn (1945) với 10 phòng trưng bày:
1. Việt Nam thời Tiền sử: Hơn 160 hiện vật và tư liệu khoa học giới thiệu các giai đoạn phát triển của thời kỳ Tiền sử trên Việt Nam, từ “thời đại đá cũ” (khoảng 500.000-10.000 năm CNN) đến “thời đại đá mới” (10.000-4.000 năm CNN). Những lớp cư dân nguyên thuỷ, qua quá trình sinh tồn đã sáng tạo nên những nền văn hoá nổi tiếng: Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn.
2. Thời Hùng Vương: Giới thiệu thời đại kim khí (4.000 - 2.000 năm CNN) thông qua 240 hiện vật và tư liệu. Thời này, Việt Nam đã hình thành nền văn minh sông Hồng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Trung Bộ và văn hóa Đồng Nai ở Đông Nam Bộ, tương ứng với thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang, An Dương Vương lập nước Âu Lạc…
3. Thời Đấu tranh giành độc lập dân tộc: Giới thiệu khoảng 50 hiện vật tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống phong kiến phương Bắc suốt 10 thế kỷ đầu công nguyên. Mặc dù ách thống trị tàn bạo và thâm độc kéo dài, nhưng sức sống văn hoá Việt vẫn được bảo tồn, phát triển theo một mạch ngầm và rồi lại phục hưng khi đất nước giành lại được nền độc lập tự chủ.
4. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý: Gần 120 hiện vật và tư liệu giới thiệu thời kỳ này. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra thời đại phong kiến độc lập tự chủ, lịch sử Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ: kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Mở đầu thời kỳ này là các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê. Đến thời Lý đã hình thành trên một quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
5. Thời Trần: Thông qua hơn 80 hiện vật đã giới thiệu phần nào những thành tựu rực rỡ của nước Đại Việt tk 13 - 14 trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo ... Đây là thời kỳ nhà nước phong kiến Đại Việt đã trở thành một quốc gia cường thịnh trong khu vực.
6. Văn hoá Champa: Kế thừa văn hóa Sa Huỳnh và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, cư dân Champa đã tạo nên một nền văn hóa riêng biệt với những công trình kiến trúc đền, tháp độc đáo; những tác phẩm điêu khắc đá sinh động, giàu nét hiện thực; những sản phẩm chế tác tinh xảo bằng kim loại: vàng, đồng, bạc… Hơn 90 hiện vật trưng bày đã góp phần chứng minh sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Champa cổ.
7. Văn hoá Óc Eo: Với hệ thống trưng bày hiện đại và 270 hiện vật đã dẫn dắt người xem hình dung quá trình hình thành và phát triển của cư dân Óc Eo ở Nam bộ (TK 1-7) trên cơ sở kế thừa thành tựu các nền văn hóa thời Tiền sử và tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại sinh. Nền văn hóa này tương ứng với thời kỳ tồn tại của vương quốc Phù Nam, là nền văn hóa rực rỡ ở Đông Nam Á vào thời cổ đại.
8. Thời Lê: Giới thiệu hơn 150 hiện vật, tư liệu khái quát chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội thời Lê sơ, Lê Trung Hưng. Từ cuộc khởi nghĩa chống Minh và ra đời triều Lê ở TK 15 và những thăng trầm của triều Lê: Nội chiến Lê – Mạc (1527-1592), Trịnh - Nguyễn phân tranh(1627-1672) chia cắt đất nước. bên cạnh đó, nhiều chính sách kinh tế - xã hội được ban hành; giáo dục, văn học, nghệ thuật được nâng cao… Văn minh Đại Việt bước vào giai đoạn phát triển mới.
9. Thời Tây Sơn: Khi chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện (TK 18), cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn năm 1771 đã phát triển mạnh mẽ, dẹp tan các thế lực phong kiến cát cứ của các chúa Trịnh, Nguyễn, lật đổ chính quyền hủ bại nhà Lê thống nhất đất nước. Thông qua hơn 80 hiện vật, tư liệu đã khái quát thành tựu của nhà Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng oai hùng.
10. Thời Nguyễn: Triều Nguyễn kéo dài 143 năm chia làm hai thời kỳ: Độc lập (1802-1883) và Thuộc Pháp, đây là triều đại cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam vừa có công vừa có tội. Gần 150 hiện vật và tư liệu của phòng trưng bày đã phác họa thời Nguyễn dù ra đời và tồn tại trong một bối cảnh đầy biến động của tình hình trong nước và quốc tế nhưng những thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội thời kỳ này vẫn tiếp tục phát triển…
Nội dung 2. Một số sưu tập về lịch sử - văn hoá các nước trong khu vực với 8 phòng và khu trưng bày:
1. Tượng Phật một số nước Châu Á: Gần 50 hiện vật và tư liệu tiêu biểu đã trình bày bức tranh Phật giáo đa dạng của các quốc gia Châu Á thể hiện qua những nét độc đáo trên các tượng Phật, tượng Bồ tát, như tượng Phật Trung Quốc có nét phúc hậu, tượng Phật Thái Lan có nét thanh nhã, tượng Phật Nhật Bản có nét viên mãn, tượng Phật Campuchia có nét trầm mặc, tượng Phật Việt Nam có nét từ ái …
2. Súng thần công thế kỷ 18-19: Với 15 khẩu súng lớn nhỏ trưng bày ngoài trời khái quát phần nào cho khách tham quan hình dung về vũ khí hạng nặng TK 18-19 của nhà Nguyễn và quân đội Thực dân và qua đó cũng tìm hiểu thêm về lịch sử thời kỳ này qua những minh văn trên súng.
3. Điêu khắc đá Campuchia: Gần 20 hiện vật và tư liệu cho thấy nghệ nhân Campuchia đã đưa nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Angkor lên tới đỉnh cao, đầy biểu cảm và đậm đà tính dân tộc. Những tác phẩm điêu khắc đá của họ phần lớn đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống văn hóa bản địa với các yếu tố văn hóa Ấn Độ, thể hiện được sự tinh tế về thẩm mỹ và sự sùng đạo của nhân dân Campuchia.
4. Gốm một số nước Châu Á: Khoảng 200 hiện vật giới thiệu các loại hình gốm từ đất nung tới sành sứ với niên đại trải dài từ đầu Công nguyên đến đầu TK 20, thuộc các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, qua đó cho thấy sự phát triển của đồ gốm và những nét đặc trưng của từng dân tộc thể hiện trên những sản phẩm gốm bình dị nhưng độc đáo.
5. Xác ướp Xóm Cải (TPHCM): Giới thiệu xác ướp có niên đại từ TK19 từ cuộc khai quật Khảo cổ học năm 1994 tại xóm Cải phường 8, quận 5, TP.HCM. Trong quá trình xử lý các ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ đã phát hiện một quan tài trong quách gỗ còn nguyên vẹn xác một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tên là Trần Thị Hiệu, cao 1,52m bó nhiều lớp vải nằm trong dung dịch màu nâu đỏ dung tích khoảng 0,87m3.
6. Sưu tập Vương Hồng Sển: Với gần 170 hiện vật và tư liệu giới thiệu về nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật nổi tiếng ở miền Nam: Vương Hồng Sển. Đây chỉ là một phần nhỏ sưu tập cổ vật của ông đã hiến tặng nhà nước (849 cổ vật). Các hiện vật trưng bày nhiều chất liệu của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp sản xuất từ thế kỷ X – XIX cho thấy giá trị của sưu tập và những đóng góp của ông trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
7. Văn hoá các thành phần dân tộc phía Nam: Hơn 230 hiện vật về dân tộc các tỉnh phía Nam đã cho thấy Nam Bộ và Nam Trung bộ là địa bàn cư ngụ chủ yếu của các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á và ngữ hệ Nam Đảo. Từ thế kỷ 16, cư dân Việt và cư dân Hoa đã đến đây góp phần khai phá vùng đất này. Các dân tộc đã tạo bức tranh văn hóa đa sắc màu vô cùng phong phú.
8. Một phòng trưng bày ngắn hạn luân phiên trưng bày từ 3 đến 9 tháng, giới thiệu những sưu tập cổ vật mới phát hiện.
Tại Bảo tàng Lịch sử, quý khách còn có thể tham quan:
1. Đền thờ Hùng Vương- một công trình xây dựng đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc cổ Phương Đông được công nhận “Di tích cấp nhà nước” năm 2012- từ năm 1956 được chọn là nơi thờ kính, tưởng nhớ các vua Hùng và các vị Tổ tiên thành lập nước Văn Lang.
2. Tra cứu tư liệu tại Thư viện Bảo tàng với trên 12000 đầu sách có niên đại từ thế kỷ 19 đến nay với các loại ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nhật, Thái…(trước đây là thư viện của Hội Nghiên Cứu Đông Dương, thành lập từ cuối thế kỷ 19).
3. Xem trình diễn Múa Rối Nước- một hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian của nước Đại Việt xuất hiện từ hơn 1000 năm trước.
4. Mua sách về cổ vật cũng như những vật dụng kỷ niệm và thưởng thức café trong shop Bảo tàng…